Bên cạnh những cuộc vận động sáng tác từ các đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hoá, các khoá học sáng tạo trong văn chương đang phát triển mạnh mẽ trong năm 2023, mang lại những “cơ hội vàng” cho những người đam mê viết lách để khám phá và phát triển tài năng của mình.
Bắt nguồn từ nhu cầu sáng tác của đông đảo tác giả “thế hệ Z”
Ngày nay, người muốn học văn chương không chỉ có thể tham gia các khoá học truyền thống tại các trường đại học, mà còn có thể tìm thấy nhiều tùy chọn mới mẻ khác. Các khóa học trực tuyến, các hội thảo, các nhóm học viện và cộng đồng viết lách đã xuất hiện với mục tiêu đáp ứng nhu cầu của mọi người và tạo ra một môi trường chuyên môn trẻ trung và sôi động. Tiêu biểu có các khoá học Bồi dưỡng viết văn của nhà văn Uông Triều, chuỗi hội thảo trực tuyến của cộng đồng Viết, dự án Triết học Bút chì, dự án Thế kỷ hư cấu của Linh Lan Books, trang web Cây Bút Nhí của nhà văn trẻ Dương Hằng dành cho đối tượng thiếu nhi…
Nhà văn Dương Hằng và hành trình đặc biệt của Cây Bút Nhí. Ảnh: NVCC
Sự phát triển của các khoá học sáng tạo trong văn chương cũng phản ánh xu hướng thị trường. Nhiều nhóm sáng tác “tự phát” trên mạng xã hội đạt đến con số thành viên lên đến hàng chục nghìn người như “Viết truyện có nhuận bút”, “Hội tác giả viết truyện”... quy tụ nhiều bạn trẻ coi sáng tác như một đam mê hoặc nghề tay trái. Có thể chưa đủ kinh nghiệm để cộng tác với các đơn vị xuất bản lớn, họ tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp ở những trang văn học mạng lớn như Tomo Story, Enovel…
Nhận thấy sự quan tâm ngày càng tăng của công chúng đối với văn chương và viết lách, nhiều tổ chức và cá nhân đã bắt đầu lĩnh vực này để cung cấp các khóa học chất lượng và độc đáo. Đặc biệt, sau một thời gian dài dãn cách vì Covid, việc tham gia các hội thảo trực tuyến “bỗng nhiên” đã trở thành thói quen của nhiều bạn trẻ, gián tiếp xoá đi những rào cản. Điều này góp phần xây dựng một cộng đồng văn học mạnh mẽ và sáng tạo, đồng thời khơi nguồn cho những tác phẩm độc đáo và phong phú.
Các “workshop” viết văn cho trẻ em và người trẻ
Khoá học sáng tạo của cộng đồng Viết với hơn 98.000 thành viên đã khởi động với buổi workshop trực tuyến của nhà văn Lâm Phương Lam (tác giả của Đừng tức giận số phận, Chạy theo ánh mặt trời...). Các thành viên được tham gia miễn phí để trao đổi về mục đích viết lách cá nhân, từ ý tưởng đến hoàn thiện bản thảo và tìm cơ hội xuất bản. Với mục tiêu hỗ trợ những người đang loay hoay viết tiểu thuyết, nhà văn Lâm Phương Lam cho biết: “Sáng tác Viết văn là một công việc đặc thù, mang tính cá nhân, phần lớn là làm việc sáng tạo độc lập. Hơn mười năm viết tiểu thuyết, tôi nhận thấy đa số tác giả hiện nay đều là người học trái ngành, viết bằng bản năng và cảm hứng. Nhưng, viết là con đường nhiều trắc trở. Đường sẽ còn xa nữa nếu như không có sự học hỏi nghiêm túc. Sự tương tác qua lại từ các khoá học khiến chúng tôi trở thành những bạn viết truyền cảm hứng cho nhau, lắng nghe các trải nghiệm thực tế. Từ đây nảy ra những ý tưởng sáng tạo độc đáo, táo bạo…”Poster hấp dẫn của Workshop cộng đồng Viết.
Ảnh: Facebook Nhân vật
Cây Bút Nhí, một trung tâm giáo dục tại Hà Nội bởi nhà văn trẻ Dương Hằng (tác giả của Chạy trốn một tiếng ve, Bay đi khướu ơi…), đã tạo bệ phóng cho tình yêu Tiếng Việt trong các em nhỏ. Với phương pháp giảng dạy 4T - THÔNG, THẤU, THẠO, THÍCH, Cây Bút Nhí giúp các học sinh khối 2 và khối 3 phát triển năng lực ngôn ngữ, tưởng tượng và tư duy sáng tạo. Trong khi đó, khối 4 và khối 5 được hướng dẫn theo chương trình giáo dục chuẩn đi kèm với những bổ sung từ giáo trình riêng của Cây Bút Nhí. Cả hai hình thức trực tuyến và trực tiếp đều được áp dụng ở Cây Bút Nhí. Điều quan trọng nhất, những dự án cộng đồng như vậy thắp lên ước mơ và bồi dưỡng tình yêu với tiếng Việt, văn hoá Việt và văn học Việt cho các em nhỏ.
Workshop "Thế kỷ hư cấu" do Công ty Linh Lan Books tổ chức, với sự tham gia của nhà văn trinh thám Đức Anh (tác giả Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời, Thiên thần mù sương...), đã tạo ra một diễn đàn trực tuyến để các tác giả và những người yêu thích văn học hư cấu có thể trao đổi và tìm hiểu về lý thuyết tự sự học. Chương trình đưa ra những lý thuyết truyền thống về truyện kể và phản biện những cách hiểu cổ điển, không còn phù hợp về nghệ thuật kể chuyện. Qua đó, các tác giả trẻ có thể tìm thấy một tham khảo về mặt lý thuyết cũng như cơ hội xuất bản bằng cách tham gia các dự án sáng tác của Linh Lan Books, dưới sự đồng hành của các biên tập viên.Hình thức trao đổi trực tuyến từ Workshop Thế kỷ hư cấu.
Ảnh: L.N
“Thế kỷ hư cấu” đã thu hút sự quan tâm và tham gia đông đảo của các bạn trẻ, do hình thức trực tuyến. Tại đây, những cây bút nổi tiếng như Thảo Trang và Hoàng Yến đã chia sẻ về thể loại văn học ít được chia sẻ như kinh dị, dã sử, trinh thám... Tác giả trẻ Lê Ngọc (với tác phẩm Tôi tìm mình giữa những tháng năm) nhận xét khi tham gia workshop: “Chúng mình có thể thảo luận thoải mái về các thể loại văn học hư cấu của văn học mạng, xoay quanh việc biến các tác phẩm hư cấu thành những sản phẩm có giá trị. Mình thì không nghĩ rằng theo đuổi văn học truyền thống sẽ tốt hơn hay danh giá hơn văn học mạng, mình chỉ quan tâm ở thể loại nào có thể mang lại sự thưởng thức tốt nhất cho độc giả”.
Tổng kết lại, sự phát triển của các khoá học sáng tạo trong văn chương đem đến nhiều cơ hội cho những người đam mê viết lách. Từ việc mở rộng phạm vi các khóa học, đa dạng hóa các hình thức học tập cho đến tạo ra một môi trường giao lưu và học hỏi, các khoá học sáng tạo trong văn chương đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành văn chương, theo định hướng phát triển công nghiệp văn hoá. Và đâu đó, khiến cho những người ở “trái ngành” không còn cảm thấy cô đơn, mù mờ về con đường của mình./.
BÀI VIẾT ĐĂNG TẠI: TẠP CHÍ NGƯỜI HÀ NỘI - CHUYÊN MỤC: VĂN HÓA NGHỆ THUẬT
https://nguoihanoi.com.vn/mo-ra-nhung-dam-me-sang-tac-73753.html
0 Nhận xét