Bà mẹ bỉm sữa (2)


Trích Phần 2: NUÔI DƯỠNG VÀ GIÁO DỤC CON TRẺ


Trích chương 30 (trong sách): Cuộc “truy lùng” vắc-xin dịch vụ


Ở thành phố, có rất nhiều lí do để ba mẹ nói “không” với việc đưa con đi tiêm vắc-xin theo chương trình tiêm chủng mở rộng của Quốc gia tại các cơ sở y tế trạm xã, phường trong từng quận. Mà điển hình là loại vắc-xin Quinvaxem.
Mỗi ngày, chúng ta theo dõi báo đài, trên các phương tiện truyền thông chính thức của quốc gia, không hiếm các trường hợp hi hữu, trẻ em tiêm vắc-xin Quinvaxem tại các cơ sở y tế phường, xã đã xảy ra sự cố: nhẹ thì sưng tấy, sốt nhẹ, nặng thì sốc thuốc, co giật, dẫn đến tử vong…, dù sau đó Bộ y tế đã có thông cáo chính thức, nguyên nhân xảy ra những sự việc đau lòng trên đều không phải liên quan đến chất lượng vắc-xin, mà bởi trong cơ thể trẻ cũng đang ngẫu nhiên tồn tại một loại bệnh lý nào đó.
Nhưng hẳn chúng ta cũng không quên, trường hợp đau lòng khác đã xảy ra, đó là trẻ tử vong sau khi tiêm vắc-xin với lí do “tủ lạnh bảo quản vắc-xin trước đó đã bị mất điện trong vòng một đến hai giờ đồng hồ.”
Hay phải kể đến trường hợp, y sỹ tiêm nhầm vắc-xin cho trẻ em với vắc-xin dành cho mẹ bầu trong suốt nhiều giờ đồng hồ, nhưng chính bản thân người tiêm lại không hề biết việc mình làm là nhầm lẫn. Sự việc chỉ được khui bày khi y sỹ khác dọn dẹp phòng khám và phát hiện ra thông tin in trên bao bì chai thuốc là sai lệch.
Vậy tóm lại, thông cáo về chất lượng vắc-xin đều an toàn, đạt tiêu chuẩn sẽ sử dụng bình thường, rồi có quyết định ngưng sử dụng để điều tra, tìm hiểu nguyên nhân, và cuối cùng lại quyết định đưa vào sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Và điều đó khiến tôi bị ám ảnh – nỗi ám ảnh kéo dài triền miên với tất cả các loại vắc-xin đến thời điểm em bé cần được tiêm phòng ngừa: tiêm thì sợ, mà không tiêm thì cảm thấy rất có lỗi.
Với tất cả các bà mẹ, tôi hiểu, con cái là trước nhất. Với những gia đình phải chữa chạy thuốc thang kéo dài theo tháng qua năm, phòng khám này bác sĩ nọ để có được mụn con, tôi hiểu rõ hơn ai hết, con cái cũng chính là sinh mạng và linh hồn của họ.
Việc săn đón, truy lùng vắc-xin dịch vụ thực sự là một cuộc chiến.
Một cuộc chiến “khó nhằn” mà bên người mua có nhu cầu, sẵn sàng bỏ tiền bạc cũng như thời gian để chờ đợi nhưng luôn được trả về với dấu hỏi, chưa biết chừng nào thì thuốc sẽ nhập về, mà nếu biết thì thời gian ấy cũng phải cách thực tại vài tháng cho đến cả hơn một năm.
Những gia đình quyết định cho con trẻ tiêm vắc-xin dịch vụ hầu hết đều có kinh tế ổn định hay khá giả, hoặc ba mẹ/người thân là người quan tâm sát sao trên báo đài, các cổng thông tin y tế tới “tai biến sau khi tiêm vắc-xin – một vấn đề nóng” trong suốt quãng thời gian từ năm 2013 tới nay.
Tôi hiểu rất rõ, vì sao cần phải tiêm vắc-xin đúng ngày đúng tháng, thời điểm nào cần tiêm phòng ngừa loại vắc-xin nào. Trong gia đình, tôi chịu trách nhiệm: tìm hiểu thông tin/tác dụng về các loại vắc-xin, địa điểm, chất lượng và uy tín của nơi tiêm phòng, sắp xếp đăng ký đặt hẹn ngày giờ phù hợp giữa nơi tiêm phòng và ngày được nghỉ/hoặc ngày nghỉ phép của anh chồng.
Anh chồng mỗi khi nghe tôi nhắc tới lịch tiêm phòng cho con đều sốt sắng, gặng hỏi, vắc-xin đó có thực sự cần thiết không, đã có vụ tai  biến nào xảy ra sau đó chưa hoặc tự tìm hiểu một lần nữa để đưa ra cân nhắc “quyết định tiêm” hoặc “hay chờ con lớn một chút xíu nữa”. Trong trường hợp, nếu đến ngày phải tiêm và hiện đang có loại vắc-xin đó, nhưng anh chồng không được nghỉ phép do đang trong chuyến công tác, dù tôi và mẹ chồng đưa con trẻ di chuyển bằng taxi, anh chồng vẫn một mực không yên tâm và buộc phải nghỉ không lương để về Sài Gòn.
Mẹ chồng và những người thân ở dưới quê thường hay đưa ra thắc mắc, “Ngoài quê đó, con cháu người ta đều được đưa ra trạm xá của xã để tiêm ngừa vắc-xin cả đấy thôi. Ở thành phố, cái gì cũng phải dịch vụ, hơi ho hơi cảm một tí là phải tới bệnh viện trung ương.”
Vợ chồng tôi cũng giải thích cặn kẽ để mẹ chồng hiểu rõ vấn nạn, vì sao buộc phải làm khó làm khổ bản thân như thế. Hơn nữa, buổi chiều, mẹ chồng thường cho bé xuống dưới khu công viên của tòa chung cư, các bà nội/ngoại hay những người giúp việc thường mang chuyện này chuyện kia ra bàn tán. Thành thử, mẹ chồng tôi cũng chỉ ậm ừ không nói gì, có lẽ bà nội hiểu, xu hướng chung, lối sống và quan điểm của người dân trong thành phố lớn là như vậy.
Tại các phòng khám dịch vụ, hẳn chị/em đều không lạ lẫm cảnh tượng: một đứa bé đi tái khám/khám định kì/khám bệnh nhưng đều có đến hai, thậm chí là ba người lớn đi cùng. Rốt cuộc trong phòng chờ dịch vụ, hầu hết toàn là người lớn và người lớn với nhau.
Tôi muốn nhấn mạnh, tại các thành phố lớn, những người làm cha làm mẹ quyết tâm cho con trẻ tiêm ngừa vắc-xin dịch vụ, không phải họ ỷ thế vào tiềm lực kinh tế gia đình, càng không phải tâm lý sính ngoại: dịch vụ thì dĩ nhiên tốt hơn miễn phí, mà đa phần là nỗi ám ảnh về tai biến của con trẻ sau khi chích ngừa.
Loại vắc-xin khan hiếm khiến các mẹ mất ăn mất ngủ nhất phải kể đến: năm trong một (Pantaxim) của Pháp và sáu trong một (Infanrix Hexa) của Bỉ. Đây là loại vắc-xin cần phải tiêm ngừa ba mũi khi trẻ đủ hai-ba-bốn tháng tuổi, và có thể nhắc lại một mũi tiêm nữa vào khoảng thời gian khi trẻ đủ mười tám tháng sau này. Nhưng có rất nhiều trẻ chỉ tiêm được mũi một, vài tháng sau mới tiêm được mũi hai, thậm chí khi đã quá một tuổi, trẻ vẫn chưa được tiêm nhắc mũi thứ ba. Tất cả chỉ bởi lí do: vắc-xin này hết hàng, thời gian chờ đợi từ phía nhà cung ứng kéo dài hàng tháng, thậm chí là cả năm.
Thủ tục chung khi chọn tiêm vắc-xin dịch vụ của các gia đình, là: đăng kí, nộp tiền trước và kiên nhẫn chờ đợi.
Nhiều bà mẹ sốt sắng hơn dù bản thân hiểu rõ mồn một “mớ lý thuyết đã nhai đi nhai lại”: tiêm vắc-xin trễ cho trẻ đồng nghĩa với việc, trẻ có nguy cơ mắc bệnh trước khi được tiêm nhắc lại các mũi tiếp theo, nhưng quyết tâm nói không với vắc-xin miễn phí tại tổ chức tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Vì thế, mỗi ngày đi làm, họ tranh thủ đi sớm, ghé qua địa điểm tiêm vắc-xin dịch vụ gần đó để ngó nghiêng tình hình, hay địa điểm nào xa hơn thì ngày nối ngày đều kiên nhẫn điện thoại gặp tổng đài viên hỏi dò: có chưa, bao giờ có, lâu vậy ư, phải làm thế nào bây giờ…?
Bạn đã biết, khi một gia đình quyết định cho con trẻ tiêm ngừa vắc-xin dịch vụ, thì giá cả không phải là điều cần bàn tới, họ chỉ quan tâm, vắc-xin đó còn thuốc và sức khỏe hiện tại của bé có đủ đạt chuẩn để tiêm ngừa hay không mà thôi.
Một vài bệnh viện tư với quy mô tương đối lớn, có trữ một ít loại vắc-xin này, hai phương án điển hình mà họ áp dụng: chỉ tiêm cho những em bé được sinh tại đây (chi phí sinh đẻ có giá dao động từ hai đến bốn ngàn USD), hoặc chi phí khám tổng quát trước khi được tiêm ngừa còn đắt đỏ hơn cả giá một liều vắc-xin.
Qua thông tin cập nhật trên báo chí, hẳn bạn sẽ không ngạc nhiên khi gia đình X quyết định cho con nhỏ vừa đầy hai tháng tuổi sang đất nước Singapore chỉ để tiêm được mũi vắc-xin sáu trong một (Infanrix Hexa), và mũi thứ hai, thứ ba đều được duy trì như vậy qua các chuyến bay nếu không thể tìm được địa điểm tiêm phòng còn dự trữ vắc-xin ở trong nước. Hay một gia đình trong Sài Gòn vẫn quyết định đưa trẻ ra ngoài Hà Nội để tiêm được một mũi vắc-xin với giá đắt gấp bốn lần so với bảng giá dịch vụ chung trên toàn quốc.
Và tất cả các bậc làm cha làm mẹ đều la ó, có tiền nhưng vẫn không được tiêm.
Điều may mắn vô cùng là ở thời điểm con trai tôi vừa tròn hai/ba/bốn tháng tuổi, bé đều được tiêm đủ và đúng lịch ba mũi sáu trong một (Infanrix Hexa). Tôi không muốn kể lể về việc kiếm tìm vắc-xin khổ sở ra sao, bởi phần nào tôi cũng trở thành “kẻ săn mồi” giống như nhiều bà mẹ ông bố khác đã phải tất tưởi thăm dò các địa điểm trong thành phố chỉ với mong mỏi có được một liều thuốc tiêm ngừa cho con. Tôi muốn bày tỏ, sự may mắn đã mỉm cười với con trai tôi vào thời điểm đó.
Nhưng với những mũi tiêm về sau: thuốc chích ngừa cúm, thủy đậu, sởi loại ba trong một (sởi-rubella và quai bị) hay vắc-xin viêm não Nhật Bản…, tôi gần như phát sốt vì thời gian đợi chờ kéo dài theo tuần, theo tháng, hay ngày nối ngày đều điện thoại gặp tổng đài viên ở khắp các bệnh viện mà bản thân biết hoặc được các chị em khác mách nước. Và các bác sĩ luôn trấn an tôi cũng như những bà mẹ khác khi đưa con tới khám định kỳ và đăng kí tiêm vắc-xin: đừng lo lắng quá, những loại thuốc này sớm có lại thôi, chỉ cần em bé tiêm trước ba tuổi là được.
Nhưng làm sao tôi có thể yên tâm được đây? Bởi, tiêm thì sợ, mà không tiêm thì cảm thấy rất có lỗi.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét