Chương 23
“Con đã gặp Tuấn chưa? Nó cũng mới rời khỏi
đây chừng ít phút.” Bà cụ thông báo với Kim Uyên ngay khi cô vừa đẩy cửa bước
vào. “Lại đây, thời tiết thế này mà con chẳng giữ ấm cho mình gì cả, nhỡ đổ
bệnh ra đấy thì già này làm sao mà đỡ nổi.”
Kim
Uyên nghe theo lời bà cụ. Cô tiến vào gian bếp và ấp úng, “Con chào... ngoại. Ngoại đã biết con về đây vào hôm nay?”
“Biết”,
bà cụ ho khụ khụ vì cái lạnh chớm đông, “Cách đây cả tháng, ngoại nghe bà Ba
trên huyện có nói. Rồi bà ấy mới thông báo cho con mà”.
Không
ngại ngùng cũng không vồ vập như cách đón nhận người thân mà Kim Uyên từng
biết. Cô run rẩy không dám nắm tay bà cụ. Cô nhìn thấy nửa khuôn mặt bà trong
thứ ánh lửa vàng của củi khô hất ngược lên. Điểm chung dễ nhận thấy nhất để cô
nhận ra là sống mũi thẳng và gò má cao của bà giống hệt mẹ cô.
“Sao
mẹ con lại giấu chuyện của ngoại. Nhận được điện thoại từ Huế ra, con rất bất
ngờ và không dám tin.”
“Tại
ngoại từng chưa bao giờ chấp nhận chuyện con là cháu của nhà này”, giọng bà cụ
rất cương quyết.
“Con...
”, cô run rẩy, cô sợ hỏi tiếp, cô sợ người thân duy nhất còn lại tiếp tục đẩy
cô ra xa. Thay vì thế, cô khóc thút thít như một đứa trẻ, “Con xin ngoại. Mẹ
con mất rồi. Bây giờ, ngoại vẫn không muốn nhận con nữa ư?”
Bà
cụ nhìn cô, “Lỗi là do ông Trần và mẹ con. Ngoại nghĩ suốt nhiều đêm rồi, con có
làm gì lên tội mà ngoại phải trách phạt con?”
Kim
Uyên khóc thút thít trong sự sung sướng vỡ òa, cô ngồi xuống chiếc ghế gỗ,
giọng lắp bắp, “Ngoại cho con ôm ngoại, nha ngoại. Mùa đông ở Huế lạnh quá. Con
vẫn chưa quen... ”
Bà
cụ mỉm cười với cô. Chưa bao giờ bà trở lên hiền từ và hạnh phúc như thế suốt
gần ba mươi năm nay.
Kim
Uyên bặm môi lại. Cô run rẩy vì hạnh phúc.
Cô vẫn biết đến nhiều truyện cổ tích như bao đứa trẻ lớn lên cùng
những trang chuyện trước giờ đi ngủ. Nhưng cô không có tuổi thơ được vui đùa ở bên cạnh những
người làm bà, có tóc bạc phơ, có nụ cười móm mém, có ánh mắt hiền từ. Ở tuổi hai mươi tư, cô có được điều này, một cảm xúc
vô cùng khác lạ chạy dọc sống lưng làm cô bối rối.
Cô đưa đôi tay nhỏ của mình vòng qua ôm lấy cơ
thể ngoại. Cô không kìm được mình, giọng cô thì thầm, “Ngoại gầy quá, ngoại
ơi”.
Bà
cụ không nói gì. Miệng bà mím lại nở nụ cười ý nghĩa. Mắt bà mờ đi trong đốm
lửa lập lòe.
Một
lúc sau, bà hỏi, “Thế con gặp thằng Tuấn chưa? Nó thật tốt. Lần nào về đây công
tác, nó đều tới thăm ngoại cả. Ngoại mừng vì hai đứa yêu nhau”.
Cô
ngọ nguậy đầu đang gục trên vai ngoại. Tay cô nới lỏng vòng ôm trên cơ thể gầy
của ngoại. Những giọt nước mắt trở lên long lanh trước ánh lửa bập bùng, “Ngoại
ơi, anh Tuấn là con trai của bác Trần ạ”.
“Sao
cơ?”, bà cụ thốt lên. Bà không dám tin vào những gì mình vừa nghe được.
Kim
Uyên khóc thút thít, “Anh Tuấn là con trai của bác Trần ạ”.
Bà
cụ đưa củi vào bếp và nhìn chăm chăm những vệt khói lam chiều. Giọng bà buồn bã
xen cả chút bất lực, “Cuộc đời là thế đấy. Tàn khốc lắm”.
Cô
ngồi ngay lưng lại trên chiếc ghế gỗ. Cô do dự trước lời đề nghị của mình,
“Ngoại à. Ngoại kể cho con nghe chuyện gì đã xảy ra trước đó được không?”
“Vậy
ai nói cho con biết sự thật này?”, giọng bà cụ nghiêm lại.
“Là
bác Châu, vợ của ông Trần ạ”, Kim Uyên ủ rũ, “Bác Châu đưa cho con hai bộ hồ sơ
bệnh án, cùng một kết luận, và... con đã
ra Hà Nội làm việc từ ngày đó”.
Bà
cụ thở khẽ. Bà đưa bàn tay gầy chỉ còn lớp da nâu xỉn bao bọc từng đốt xương,
vuốt dọc theo chiều dài của mái tóc Kim Uyên, “Tóc con mượt và đẹp quá. Hệt như
mẹ con ngày xưa vậy”.
Cô
ngẩng đầu nhìn ngoại nhưng bà cụ đã quay mặt đi hướng khác.
Giọng
bà chậm rãi khi nói về biến cố xảy ra vào ba mươi năm trước.
“Năm
xưa, ông Trần thường xuyên có những chuyến công tác ở Huế và có khoảng thời
gian tương đối dài trong mỗi lần đi như thế. Ông ta và mẹ con cũng bắt đầu quen
nhau từ đó khi ông thường đi khảo sát công trình ở vùng gần đây. Dù ngoại đã ra
sức ngăn cản mối quan hệ này nhưng không có hiệu quả. Đến khi mẹ con mang thai
con, ông ấy cũng không làm lễ cưới hỏi dù đã thề thốt trước đó rất nhiều điều.
Năm
con ba tuổi, một người đàn bà nói giọng nam, rất xinh đẹp, giàu có đã tìm tới
tận đây. Cô ta là người có quyền lực và tuyên bố sẽ làm cho bất kì một cửa hàng
hay công ty nào phải phá sản nếu còn tiếp tục đặt hàng tranh thêu của công ty gia
đình mình. Cửa hàng nhà ta từ đời cụ tổ để lại bị ngưng trệ dẫn đến phá sản, vì
quá căm phẫn, ngoại nóng giận nên đã đuổi hai mẹ con con ra khỏi nhà. Bây giờ,
ngoại vẫn không thôi đau buồn và hối hận về chuyện này. Cho đến tận hôm rồi,
ngoại mới biết hai mẹ con con sinh sống ở Bình Phước... ”
Kim
Uyên im lặng lắng nghe. Cô không nghĩ đến việc oán trách hay giận hơn ai vào
lúc này. Cô cố gạt nước mắt, “Con đã suy nghĩ kĩ rồi. Con sẽ mở lại cửa hàng
tranh thêu và vực lại những gì đã đổ nát từ năm xưa. Ngoại tin con nhé!”
“Ngoại
tin con chứ.” Bà cụ cười móm mém, “Thằng Tuấn nó bảo, con thêu tranh và thiết
kế mẫu đều giỏi. Ngoại mừng cho con, cho truyền thống gia đình, và... lấy làm tiếc về chuyện tình cảm của hai đứa.”
Cô
không muốn nhắc đến anh, nhưng những thông tin về anh luôn làm tai cô dỏng lên,
“Ngoại có biết anh ấy đến Huế để làm gì không ạ?”
“Ngoại
nghe đâu là công việc đóng tàu thì phải. Lần đầu tiên, cách đây gần hai năm, nó
cũng đã đến đây để tìm con một lần rồi.”
À, những năm tháng
cũ, ngọt ngào, giận hờn, và cả ghen tuông. Trái tim cô
lại nhức nhối. “Vâng”, cô thẫn thờ trả lời.
Chuyện
hiểu lầm ở Buôn Mê khiến anh lùng xục mọi nơi để tìm cô. Và địa chỉ ở hồ sơ
nhập học là thứ duy nhất...
Anh
khép cánh cửa lại và đi xa về phía ngược hướng đến của ngôi nhà. Anh nhận ra
bóng dáng của một người đàn ông xách theo túi đựng thức ăn sẵn.
Là
anh ta, người đã hôn cô trên chuyến tàu tối qua.
{ { {
Anh
nhúng bàn tay vào bồn ngập nước. Sau đó dùng tay tạt mạnh một nhát khiến nước
bắn tung tóe trên gương. Anh nhìn hình ảnh phản chiếu của mình, một gã đàn ông thất bại.
Những
niềm vui nhen nhóm gần đây nhất mà anh có được chỉ là bồng bế bé Hana và đồng ý
vài cuộc hẹn do Nhã Khanh thu xếp. Điều tệ hại nhất là việc, anh không ngừng
suy nghĩ về đứa bé mà Kim Uyên đã phải nạo bỏ. Và một giả thiết ngờ nghệch
rằng, nếu sự thật có màu hồng hơn,
thì đứa bé đó bây giờ cũng lớn bằng Hana, đáng yêu, kháu khỉnh, chắc chắn thế.
“Nhã
Khanh, em vẫn còn muốn kéo thêm người đến để ăn tối nữa à? Sợ thật, đúng là
chuyên môn truyền thông, mới đến Huế vài ngày mà đã quen quá nhiều người rồi.”
Tố Uyên vui vẻ kéo ghế lại bàn ăn. Cô xuýt xoa, “Dù sao thì món ăn Huế cũng khá
ổn. Vị cay của nó sẽ giúp chị ấm người lên”.
“Vâng.
Một người bạn đặc biệt. Và chị cũng biết anh ấy.” Nhã Khanh nháy mắt bí mật rồi
tủm tỉm cười.
“Thế
em đi gặp người đặc biệt là bỏ luôn bé Hana ở nhà đấy à? Vậy thì chắc chắn là
mục tiêu rồi, đúng không?”
“Ấy.
Em mới từ chỗ chương trình về. Bé Hana gửi cho bác ruột của nó mà. Em gặp người
đặc biệt một chút thôi... Nhường chị
luôn cả phần còn lại của bữa tối... Ơ
kìa. Thiêng ghê. Em mới nhắc đến xong.”
Tố
Uyên đặt chiếc thìa xuống một cái đĩa khác, và nhìn về lối cầu thang lên lầu
của con tàu. Cô nới lỏng chiếc khăn len và thở hụt hơi. Cô lầm bầm vài câu gì
đó.
Nhã
Khanh cười hớn hở, “Anh Tuấn. Chỗ này ạ. Đúng khoang cuối yên tĩnh theo ý anh
rồi đấy nhé”. Rồi cô quay lại với Tố Uyên, “Em đã bảo là đặc biệt mà. Chị khó
thở rồi, đúng không? Nhìn anh ấy hôm nay còn tuyệt vời hơn cả vài ngày trước
nữa đó”.
Anh
ngã ngửa nếu như anh còn đứng vì sự gán đặt này của Nhã Khanh. Anh chỉ nhận ra người tình cũ khi đã ngồi xuống ghế và
may mắn biết bao là cùng chung một hàng lối.
“Bất
ngờ quá. Tối nay phải ăn no vì có cả hai người đẹp ngồi chung bàn”, anh nhăn
nhó cười trước sự đểu cáng của Nhã Khanh.
Tố
Uyên sặc rượu và trả lời dấm dẳng, “Em hết trò để quậy phá rồi, đúng không, Nhã
Khanh?”
“Làm
gì có”, Nhã Khanh trề môi và anh nhận được một cú đá mạnh dưới gầm bàn.
Anh
bặm môi vì chiếc đế cao gót đã bập đúng phải mắt cá chân. “Hôm trước, anh gặp
Nhã Khanh ở sân bay. Nghe cô ấy bảo, em tới Huế tham dữ buổi trình diễn bộ sưu
tập của ai đó, nên anh đưa ra lời đề nghị này. Chỗ bạn bè cũ, em cũng nên thoải
mái, Tố Uyên ạ.” Anh cảm thấy cháy tai với lời nói dối vớ vẩn.
“Bộ
sưu tập của một học trò cưng”, Tố Uyên bổ sung thêm và liếc nhìn anh qua vành
ly rượu sau mỗi thìa nẩu cay xè.
Rồi
Tố Uyên lại ho sặc sụa sau khi uống hết chén nước canh. Nó quá nóng và quá cay, bởi những lần vụng trộm liếc ngang sang bên nhìn
anh làm cô đã chẳng còn nhớ mình cho bao nhiêu muối, ớt nữa.
Anh
nhíu chân máy và lấy chiếc khăn mùi xoa của mình đưa cho cô, “Em ổn chứ?”.
Tố
Uyên đón lấy chiếc khăn. Một cơn đau chấn động bóp nghẹt trái tim cô. Cô thả
vội chiếc khăn mùi xoa xuống mặt bàn, cố nhoài người lên phía trước vơ nhanh
lấy mấy chiếc khăn ướt. Giọng cô lắp bắp, “Em dùng khăn của nhà hàng được rồi.
Em sẽ làm bẩn chiếc khăn màu vàng chanh đó mất”.
Khác
với cô, anh nở một nụ cười bình thản. Vậy ra, quá khứ dội về làm cô xấu hổ.
Nhã
Khanh bỗng trở thành người ít nói nhất, cô thốt ra những tiếng phải lẽ đối với
những câu chuyện lơ đãng về sự khác nhau của Sài Gòn, Hà Nội hay Huế. Và cô
nhận ra, Tố Uyên vẫn tiếp tục nhìn lén người đàn ông điển trai ngồi bên trái
của mình.
Cuối
cùng, Nhã Khanh làm một việc cũng không kém phần sửng sốt, “Có lẽ em phải về
trước thôi. Bé Hana ở nhà với bác nó cũng lâu rồi. Anh chị cứ ăn uống từ từ
nghen, bữa nay mình gọi nhiều món ăn có tiếng lắm đó”.
“Em...
”, Tố Uyên dài giọng, “Cho chị nhờ xe, chị phải đi taxi tới đây mà”.
“Em
cũng thế”, Nhã Khanh nhún vai và nở một nụ cươi toe toét, “Anh Tuấn, phiền anh
trả chị gái em về đúng khách sạn nhé!”
Trước
khi Tố Uyên bắn cho cô một tia nhìn ác ý, Nhã Khanh đã kịp quay lưng đi và rời
khỏi lầu hai của con tàu. Tố Uyên đã ly
dị. Tuấn cũng chưa có bạn gái. Họ vẫn còn cơ hội là quay lại với nhau. Và
Nhã Khanh cười khúc khích với màn kịch do mình sắp xếp.
Phần
còn lại của bữa tối trở lên gượng gạo hơn bao giờ hết. Anh vốn là người ít nói.
Tố Uyên lại đỏng đảnh. Thi thoảng, họ bắt gặp cái nhìn có phần e ngại về phía
nhau. Anh không được thở dài. Dẫu sao anh cũng là đàn ông. Anh cần phải lịch
sự.
“Anh
nên có gia đình”, Tố Uyên nói và uống cạn phần rượu còn lại ở trong ly.
Anh
gật gật đầu, cố gắng nuốt phần thức ăn trong miệng để không bị nghẹn. Anh nhấp
một ngụm nước lọc, “Làm sao em lại nghĩ anh không có?” Phải, anh có một gia đình, có cả mẹ, cả ba. Chỉ có điều, anh đang tìm
cách chạy trốn họ.
“Ừm.”
Tố Uyên thở một hơi dài, “Ý em không phải thế. Mà là một gia đình của riêng anh
cơ”.
“À,
phải. Anh nên lấy vợ. Nhưng tình hình hiện tại chưa cho phép, anh còn quá nhiều
việc cần phải hoàn thành.”
“Đó
không phải là vấn đề chính,” Tố Uyên quả quyết nói, “Em cũng rất bận bịu với
công việc, nhưng em luôn cố gắng dành thời gian để thăm dò những đối tượng xung
quanh... ”
“Và
em đã tìm thấy?”
Tố
Uyên bật cười, “Chưa. Đàn ông tốt bây giờ khó tìm. Đàn ông đẹp thì họ lại thích
vồ vập để tự yêu nhau. Rất khó”.
Anh
cười thành tiếng trước nhận xét của cô, “Em vẫn luôn dí dỏm”.
Cô
mạnh dạn và tự tin trong khoản giao tiếp về các nhân định của mình. Điều này,
cô vẫn luôn giống trước đây. Nhưng từ khi chia tay với anh, cô biết uống rượu,
thậm chí còn giỏi như một gã đàn ông vậy.
Cô
rót thêm rượu vào hai ly, cụng nhẹ vào ly của anh và uống cạn ly rượu của mình
trước. “Nhưng anh vẫn cần phải có một người vợ. Cuộc sống gia đình sẽ làm anh
thay đổi, trong cả suy nghĩ và hành động.”
Anh
hiểu ý của cô, có vẻ như cô đang hiểu lầm. Nhưng trong buổi tối này, anh thích
được trêu trọc cô hơn, “Chắc chắn anh phải lấy vợ, nhưng bây giờ anh vẫn chưa
biết phải lấy ai”.
Tố
Uyên cười chua xót, “Em vẫn nhớ những gì trước đây em từng có với anh. Thời
gian chưa đủ lâu để em quên chúng”. Giọng cô gần như
nhỏ dần đi theo những âm tiết cuối cùng, “Đôi khi, em vẫn dùng nếu-thì hay giá như... ”
Anh
nhấp một ngụm rượu. Chúng đủ nóng để thiêu đốt cổ họng anh, “Anh cũng không
quên”.
Anh
nhìn cô dưới ánh đèn vàng dịu của con tàu. Cô đẹp hơn trước kia. Giọng nói của
cô vẫn trong trẻo, thánh thót y như tiếng hát của cô gái biết nhảy múa dưới
điệu khèn trong mùa lễ hội của dân tộc Mường. Đáng lẽ ra, suy nghĩ của cô cần
phải trong sáng, thánh thiện thay vì thực dụng và có phần triết lý. Nhưng cô đủ
dũng cảm để đối diện với anh như một người bạn lâu ngày không gặp. Anh ước sao,
anh và Kim Uyên cũng có thể như thế.
“Sau
khi em kết hôn. Tất cả mọi chuyện chỉ êm đẹp chừng nửa năm. Em mải miết với
công việc để đám bạn bè không coi thường một đứa đến từ dân tộc như em. Em bỏ
bê công việc ở công ty và tuyển một thư ký để phụ giúp anh ấy. Thật ngở ngẩn,
em bị biến thành một con lừa. Em đã cố gắng an ủi mình rằng, cần tha thứ, phải
tha thứ. Em vờ như không có chuyện gì. Nhưng rốt cuộc, cô ta đã có bầu, còn em
thì không, em kiệt sức cho những mẫu thiết kế. Ba mẹ chồng xót con trai, xót cháu.
Em mệt mỏi và chủ động viết đơn ly dị. Họ trả em bằng một công ty thiết kế thời
trang từ đó tới giờ. Có lẽ với họ, sự đền bù vật chất đấy là vừa đủ để lấp đầy
những lỗ hỏng trong chuyện tình cảm đó.”
Hóa
ra, những gì cô phải chịu đựng cũng như anh. Thậm chí, sự chọn lựa sai lầm của
cô khiến tình yêu đổ bể còn làm cô suy sụp và đau đớn hơn.
Sự
cảm thông, thấu hiểu anh dành cho cô lúc này chỉ còn là lòng can đảm. Anh
khuyên cô bằng chính điều anh đã không làm được. “Đừng đánh mất niềm tin vào
tình yêu. Hãy thử yêu lại một lần nữa đi.”
Cơn
say làm cô choáng váng. Chiếc khăn mùi xoa màu vàng chanh thấp thoáng trong túi
áo anh. Lời khuyên của anh mà cô ngỡ như một lời tỏ tình chưa bao giờ muộn. Cô
ngờ nghệch hỏi, “Anh vẫn còn yêu em?”.
0 Nhận xét