MỤ GHẺ - tiểu thuyết - chương 8.1

MỤ GHẺ - tiểu thuyết

Lời tựaMọi gia đình sung sướng đều giống nhau, nhưng mỗi gia đình bất hạnh lại khổ sở theo cách riêng. (Lev Tolstoy)


Chương 8.1, Quảng Ninh, tháng 12 năm 1996
          Du cắn đầu chiếc bút viết chán rồi lại quay sang lật tới lật lui quyển sách tập làm văn mẫu. Đề tài ‘viết về người mẹ’ quả là xa lạ với Du. Trong kí ức non trẻ, Du chẳng nhớ gì về người phụ nữ đã mang nặng đẻ đau ra mình. Còn thực tại, người phụ nữ mà cả xã hội nghĩ rằng bà ấy là mẹ Du thì với khoảng cách xa vời vợi suốt gần nửa năm qua đã tạo thói quen cho Du để cô ứng xử không khác gì người lạ dù có chạm mặt nhau, có sống chung ở cùng một mái nhà, có cùng một bầu không khí để hít thở. Du cũng chẳng bận lòng.

Đắn đo hồi lâu, Du quyết định dùng quyển tập làm văn mẫu làm bệ đỡ cho mình. Ở mỗi quyển sách khác nhau, cô chép mỗi bài văn một đoạn. Sau hơn một tiếng đồng hồ ‘xào nấu văn chương’, hình ảnh người mẹ qua ngòi bút miêu tả của Du ‘đẹp đẽ đến bất thường’.
Công việc của mẹ tôi là làm văn thư ở văn phòng, nhưng mẹ có đôi bàn tay thô sạm vì rám nắng, vì phải làm việc nặng…
Khuôn mặt mẹ khắc khổ vì công việc nặng nhọc làm theo ca ngày lẫn ca đêm, nhưng nụ cười của mẹ vẫn luôn thường trực trên môi…
Mẹ còn mặc quần áo đồng phục với chiếc mũ bảo hiểm do công ty cung cấp mỗi khi đi làm. Mẹ cũng thường trang điểm như tô son, kẻ chân mày…, và mái tóc dài thả suôn xuống ngang vai…”
{ { {
Trời đông lạnh giá cùng cơn mưa phùn bay lất phất vào tháng mười hai càng khiến Du cảm thấy cô đơn, và vẫn luôn ích kỉ để co mình biến bản thân trở thành kẻ cô độc.
Trước khi đến trường, Du nhìn chăm chăm bà Hạnh trong lúc bà là quần áo cho khổ để ông Hà chuẩn bị đi làm.
Trong một khắc, hình ảnh chân thực, đầy mẫu mực của bà Hạnh trong căn nhà này khiến Du giật mình. Đêm qua, Du đã viết về người mẹ như thế nào nhỉ?
Ôi! Du chẳng nhớ!
Bởi những những câu chữ trong tờ giấy cần nộp cho giáo viên vào ngày hôm nay chỉ là sự sao chép về hình ảnh của nhiều bà mẹ khác nhau trong nhiều quyển tập làm văn mẫu.
Du co chân và chạy thật nhanh ra khỏi căn nhà.
Du làm sao thế này? Cuộc chiến mẹ ghẻ - con chồng mà cô đã nghĩ mới chỉ bắt đầu, và đang có nguy cơ bị xóa bỏ chỉ để chấp nhận thực tại ư? Ôi! Hình tượng Du mạnh mẽ và cứng cỏi, Du lạnh lùng và thờ ơ đã được quyết tâm gây dựng vào cái đêm cuối cùng người đàn bà ấy bước vào căn nhà này, đã thực sự vỡ tan ư?
Du chạy nhanh hơn nữa trên con đường ướt nhẹp nước. Khóe môi Du vẫn cong lên, mấp máy liên hồi, “Mụ ghẻ!”
Mụ ghẻ! Mụ ghẻ!
{ { {
Nhìn cậu bạn kế bên, Du lúng túng với tờ giấy được viết kín hai mặt. “Mẹ cậu có nhiều điều để viết thế cơ à?”
“Không đâu’, cậu bạn trả lời, “Mẹ tớ làm giáo viên, Du biết mà. Mẹ đi dạy ban ngày, tối về lại soạn giáo án. Tớ đã miêu tả về mẹ chỉ với hai dòng như thế đấy!”
Chân mày Du nhướng lên ngỏ ý cô không hiểu và chẳng tìm được mối liên quan nào giữa câu trả lời với tờ giấy kiểm tra kín mít chữ sắp được nộp. Du ôm sát bài kiểm tra của mình trước ngực, như thể sợ cậu bạn nghịch ngợm này sẽ chộp nhanh lấy và đọc oang oang trước lớp để làm trò cười cho đám trẻ trước khi giáo viên kịp đến.
“Là mẹ tớ dạy tớ đấy. Mẹ tớ bảo cần phải viết nhiều thêm, như: mẹ làm công việc nhà, mẹ chăm sóc ông bà nội già yếu”, cậu bạn gãi đầu, “À, còn cả mẹ hay mặc áo dài khi đi dạy, khuôn mặt mẹ thế nào… Ôi! Nhiều lắm. Thế còn mẹ Du thì sao?”
Ánh mắt cậu bạn gắn chặt lấy bài kiểm tra của Du đang ôm trước ngực. Vội vàng, Du giấu nhanh nó ra sau lưng. Nhưng trò đùa dường như không muốn dừng lại, một cậu bạn khác ở bàn dưới nhanh chóng nhoài người lên và chộp lấy. Sau một tích tắc đồng hồ, bài kiểm tra của Du chỉ còn là hai mảnh giấy bị chia đôi nham nhở.
“Xin lỗi! Xin lỗi, Du ơi!” Cậu bạn bàn dưới rối rít kêu lên. “Tớ xin lỗi, Du? Tớ không cố ý đâu!”
“Ồn ào quá đấy!” Một cô bạn gắt gỏng ngay lập tức, “Sao cậu phải xin lỗi rối rít lên. Về thực tế mà nói, Du cũng làm gì có mẹ để mà miêu tả chứ! Như thế chẳng phải là bài văn kín mít hai mặt giấy kia chỉ toàn là lời lẽ giả dối thôi ư?”
Bầu không khí nhộn nhạo trong lớp học đột nhiên im phăng phắc. Cô bạn hùng hồn tuyên bố ban nãy giờ chỉ biết ngượng ngịu hỏi lại, “Tớ đã nói gì sai với sự thật ư?”
“Không! Cậu nói rất đúng đấy!” Tiếng một cậu trai lạ hoắc lạ hươ đột nhiên xuất hiện. “Nếu không có mẹ mà có thể viết được kín hai mặt giấy thì rõ ràng cô bạn đay là người không trung thực rồi!”
Cả lớp ngoái nhìn về hướng cửa chính của lớp học. “Học sinh mới à? Đẹp trai quá!”
Rồi như thể học sinh mới là dầu đốt, còn không khí náo nhiệt trong lớp là mồi lửa – họ bén lấy nhau – bỏ mặc lại Du và cậu bạn ngồi hàng ghế sau với hai mảnh giấy trên tay cùng tâm trí đang rối lên như tơ vò vì chưa đầy năm phút nữa giáo viên bộ môn sẽ đứng lớp.
“Để tớ chép lại giùm Du”, cậu bạn đề nghị và giành lấy nửa mảnh giấy trong tay Du.
Du giành lại mảnh giấy còn lại trên tay cậu, “Không cần đâu!”
“Nhưng giáo viên sắp vào lớp rồi. Chúng ta không còn thời gian đâu!”
Du gắt lên, “Tớ đã nói là không cần. Cậu có bị điếc không hả?”
Và giờ thì đến lượt cậu bạn cũng trở lên to tiếng, “Cậu hỗn láo thật đấy, Du à. Cậu dám chửi tớ là đứa bị điếc cơ đấy. Cậu muốn chết dưới tay tớ không hả?”
“Muốn! Tớ đang muốn chết đấy!” Du gào lên. Hai bàn tay Du đập mạnh xuống bàn. Bộp! Bộp! “Cậu có dám giết tớ không mà dám lên họng chứ? Cậu dám không hả? Tớ đang rất muốn chết đó!”
Đám nữ sinh đang vây quanh bắt chuyện với ‘trai đẹp’ cũng phải lặng thing và ngoảnh đầu nhìn về phía Du. Người khinh khỉnh, kẻ cười cợt, người sửng sốt, kẻ run lên.
Cậu bạn tròn mắt nhìn Du. Cậu chắc là giọng nói của mình không quá lớn, “Du ơi?”
“Sao hả?” Du vẫn gào toáng lên. Hai gò má cô ửng đỏ vì tức giận. “Cậu muốn giết tớ chứ gì? Tớ thách cậu đấy!”
“Không! Không!” Cậu bạn vội xua hai tay loạn xạ trong không khí. “Nói nhỏ thôi! Xung quanh, họ đang nhìn cả đấy. Họ sẽ tưởng tớ bắt nạt Du.”
“Đúng là một con nhỏ hỗn xược.”
Tiếng nói lạ từ đâu đó. Và Du có quen không? Du ngẩng đầu kiếm tìm kẻ đang lên án mình.
“Bạn tên Du à?”
Lại là học sinh mới đang lên tiếng.
“Phải! Thì sao nào!” Giọng Du khinh khỉnh.
“Ôi chao!” Giọng cậu học sinh mới dài hơi, “Tên gì mà xấu thế!”
Du muốn ném cặp sách của mình vào đầu kẻ dám đang hạ thấp cô, ngay lập tức.
“Đã xấu người lại còn hỗn xược. Đúng là một đứa con gái không có mẹ dạy dỗ!”
Và giờ là lúc Du muốn thực hiện ý định của mình. Cả chiếc cặp sách lớn của Du bay thẳng lên không khí, và hạ cánh an toàn xuống mái tóc dài màu nâu dẻ của kẻ trai không biết bản thân là ai mà dám há miệng để chào đón đàn kiến lửa kéo vào.
Ánh mắt Du kiên định trước sự hoảng hốt được thốt lên từ hàng chục cái miệng của học sinh trong lớp học.
Cậu học sinh mới trừng mắt, “Cậu dám… sao?”
“Tất nhiên!” Du trả lời tỉnh bơ, “Cậu nghĩ trai đẹp thì có tội cũng thành vô tội à. Xin lỗi nhé. Cậu chỉ giỏi lừa phỉnh cái đám bọn con gái đã vây quanh cậu thôi.”
Tức giận nhưng học sinh mới vẫn phải nở một nụ cười. Khóe môi cậu cong lên, “Hóa ra là lúc tôi xuất hiện trong lớp học đến giờ, Du vẫn dõi theo tôi đấy ư?”
“Sao cơ?” Du hỏi ngược lại. Nhưng rõ ràng là Du có để ý đến cậu ta. Thật xấu hổ. Nhưng Du vẫn gằn giọng, “Đừng tưởng tượng đến điều đó. Thật lố bịch.”
Đám nữ sinh ồn ào trở lại, nhưng chúng không thể bắt nạt được Du nữa khi giáo viên đã ở ngay ngưỡng cửa lớp. Toàn bộ học sinh nhốn nháo vào chỗ ngồi. Lớp học lặng thing chỉ sau mười năm giây.
Giáo viên nhìn chăm chăm học sinh mới, Du, cùng số sách vở và bút viết nằm rải rác giữa lối đi. “Chuyện gì đã xảy ra?” Giáo viên lên tiếng.
Du cảm thấy ánh mắt ai đó đang chiếu vào mình. Là giáo viên? Hay đám nữ sinh chăng?
Du cho rằng mình hoàn toàn vô tội, không cớ gì phải khép lép  như kẻ gây họa. Vì thế, Du ngẩng cao đầu và kiếm tìm… ai đó?
Lại là học sinh mới. Cậu ta cao ráo trong chiếc quần tây đen, đóng thùng chiếc áo sơ mi trắng, với lớp áo gió không kéo khóa khoác bên ngoài. Vắt chéo từ vai xuống bụng là dây đeo của chiếc cặp sách nhỏ màu chấm bi nâu. Nhưng Du từ chối ánh mắt cậu ta. Hình như chúng sáng, và có… lửa.
“Cả lớp không nghe cô hỏi à?” Giáo viên nhắc lại, “Chuyện gì đã xảy ra?”
“Em xin lỗi, thưa cô!” Vẫn là học sinh mới, “Có chút hiểu lầm và em đã làm đổ cặp sách của bạn Du.”
Du cắn môi dưới. Chuyện quái gì đang xảy ra thế này. Rõ ràng, Du muốn cậu ta nhận lỗi về mình. Nhưng khi cậu ta làm thế, Du lại cảm thấy áy náy và gò má cứ nóng bừng lên.
“Du?” Tiếng của giáo viên đang gọi cô ư? “Em có thể nói rõ sự việc hơn không?”
Du có thể nói gì đây? Cô phải nói với giáo viên về nỗi đau không có mẹ hay sự xúc phạm mà đám bạn trong lớp đã gây ra cho cô ư?
“Lệ Hạ Du?” Giáo viên gọi rõ cả họ tên cô. “Sau buổi học, cả hai em cùng về văn phòng giáo viên gặp cô.”
Học sinh mới nhanh tay dọn sách vở và bút viết bỏ lại vào cặp sách. Cậu giữ khư khư bên mình thay vì phải mang nó trao trả cho chủ nhân.
“Đây là bạn Lê Nhất Thành. Học sinh từ thành phố Hạ Long mới chuyển về trường thị trấn của chúng ta. Cô hi vọng lớp sẽ đoàn kết và giúp đỡ lần nhau.”
Tiếng vỗ tay lớn từ các bạn trong lớp bùng lên như để chào đón cậu.
Thành khom người, “Chào các bạn”, nhưng ánh mắt cậu lại chuyển nhanh về phía Du cho câu nói cuối cùng, “Mong là mọi người đừng  bắt nạt mình.”
Du cảm thấy nực cười hơn bao giờ hết. Cô quay mặt về hướng cửa sổ.
“Được rồi! Em có thể tự chọn chỗ ngồi cho mình ở những nơi còn trống.”
Không đợi giáo viên dứt lời, Thành nhanh chóng di chuyển về phía Du, “Chỗ này ạ, thưa cô!”
Du lừ lừ mắt. Giáo viên không kịp phản ứng. Đám học sinh nam ồ lên vui vẻ. Còn lại giới nữ sinh lại cảm thấy chuyện  này thật hoang đường, không còn dám tin vào mắt mình nữa.
“Trả lại cặp sách cho tôi”, giọng Du hầm hè.
“Cậu nói ai cần trả lại cặp sách cho cậu cơ?” Thành cười tuơi.
Du tỏ ra mình đúng là kẻ hỗn xược, “Này! Đừng đùa với tôi! Tên học sinh mới này!”
“Thành! Gọi tên tôi đi?”
“Học sinh mới! Đưa cặp sách đây!”
“Không! Tên tôi là Thành!”
Du làm giọng gay gắt, “Học sinh mới?”
“Thành ơi?” Cậu bạn cười giả lả, “Thành trả lại cặp sách cho Du đi?”
“Ôi trời! Cái tên khó ưa này!” Du nổi cáu. “Thưa cô. Bạn học sinh mới…”
Nhanh như cắt, Du ngồi phịch xuống ghế theo sự lôi kéo từ Thành. Cậu ấn cặp sách vào hộc bàn còn trống, “Xong nhé! Bà chằn!”
“Có chuyện gì thế, Du?” Giáo viên ngừng tay trong lúc đang viết tựa đề trên bục giảng.
Nhưng Du không kịp trả lời vì Thành đã lên tiếng, “Dạ không có gì đâu, thưa cô!”
Du không còn gì để nói. Du bực bội, và bực bội. Cô giật mạnh cặp sách ra và bắt đầu gắn mắt mình vào quyển sách giáo khoa để ngay phía trước.
“Du?”
Vẫn là học sinh mới. Du lầm bầm nguyền rủa một ngày đen tối. Thật khó chịu. “Chuyện gì?”
“Du cho Thành xem chung sách giáo khoa với. Hôm nay là buổi học đầu tiên nên Thành không có thời khóa biểu để soạn sách.”
Du quay nửa người sang bên trái, cô tự hỏi, “Gã này là mối phiền phức đấy à?”
“Du?” Thành nhắc lại. Giọng có vẻ thành ý hơn.
Quăng luôn quyển sách giáo khoa sang bên, Du gằn giọng, “Du? Du? Tên tôi đẹp lắm hay sao mà nhắc đi nhắc lại vậy? Sách đấy! Cầm luôn đi! Cuối buổi học rồi trả tôi cũng được.” Du quay người sang cậu bạn kế bên, “An cho Du xem chung sách nhé!” Và cô nghe thấy tiếng cười rất khẽ từ phía  bên tay trái của mình.
“Trước khi vào bài học, các em nộp bài văn cô đã yêu cầu làm ở nhà nhé!” Giáo viên vừa mở sổ điểm vừa nói, “Lớp trưởng gom bài và đếm số lượng giùm cô.”
Du không biết phải làm thế nào. Chỉ vì chuyện của học sinh mới mà cô đã đánh mất năm phút đầu giờ quý giá để chép lại bài văn. Và cậu bạn ở hàng ghế dưới hết gọi tên lạ lấy chiếc thước nhựa trọc vào lưng Du. Cô cáu bẳn, “Thì tớ không nộp bài kiểm tra nữa, chứ biết làm sao bây giờ?”
“Nhưng đây là điểm nhân hệ số hai đấy!” An làu bàu.
Du bặm môi. Cô nhanh tay lấy tờ giấy trắng mới, ghi lại đề bài và hai chữ ‘bài làm’ ở giữa dòng. Cô đã từng luôn là học sinh dẫn đầu lớp, nhưng nếu vì bài kiểm tra này mà tụt hạng, thì cô… sẽ càng có lí do để ghét về ‘đề tại hay nội dung liên quan đến tình mẫu tử.’
Lớp trưởng đang tiến xuống dưới, và chỉ còn một dãy bàn nữa là đến chỗ Du. Cắn môi, Dug hi nhanh, “Em không có mẹ. Em không có gì để nói về người phụ nữ ấy.”

{ { {

Đăng nhận xét

0 Nhận xét