Chạy Theo Ánh Mặt Trời - Tiểu thuyết Lâm Phương Lam - Chương 3


“T
ô Kim Uyên. Sau này, con sẽ thay thế mẹ con và trở thành cô chủ của hàng chục hecta cao su”, một người đàn bà nói.
“Vậy thì, bà Hoa phải lựa con rể cho thật khéo, để con Uyên và tụi cháu nó không phải khổ cực vì đồng tiền”, một người đàn ông khác tiếp lời.
Những người làm khác cũng nhao nhao lên nói những câu vẻ nịnh bợ, rằng khen bà Hoa giỏi giang và có cô con gái Tô Kim Uyên xinh đẹp...
Ở vùng Bình Phước nắng gió này, không ai là không biết hai mẹ con Tô Kim Uyên. Bà Hoa là người phụ nữ nổi tiếng, vừa đẹp lại vừa có tài kinh doanh. Hai mẹ con bà tuyệt nhiên không có một tai tiếng xấu nào trong các mối quan hệ với người thu mua cao su hay những người làm vốn có cuộc sống nghèo khó được trả mức thu nhập cao hơn so với mặt bằng. Nhưng thời gian hoàng kim vì cơn sốt “vàng trắng” lại diễn ra chẳng được bao lâu thì bà lâm bệnh nặng. Cao su rớt giá thảm hại, tình trạng sức khỏe đau yếu của bà đã “nuốt chửng” từng mét vuông cao su một. Lúc đó, Tô Kim Uyên mới chỉ mười tám tuổi, cô chưa biết gì về luật kinh doanh ngoài tờ giấy thông báo duy nhất có nội dung, cô đã trúng tuyển vào đại học.
Bà Hoa nhấn mạnh từng từ trong câu nói của mình, ”Con phải lên Sài Gòn và học Đại học. Đó là con đường duy nhất để con thành công. Thời buổi này mà không có chữ thì khổ lắm...!”
“Nhưng...”, Kim Uyên ấp úng đáp.
Cô biết kinh tế gia đình mình hiện tại như thế nào. Cô biết vài chục hecta cao su giờ đây chỉ còn lại bao nhiêu. Cô đã từng nghe được bác sĩ nói về bệnh tình của bà Hoa khi bà đã yêu cầu bác sĩ phải tuyệt đối giữ bí mật. Cô cũng biết mỗi một mũi kim tiêm trong một ngày của mẹ mình là tiêu tốn hết bao nhiêu...
Và hơn hết, bà Hoa là người thân duy nhất trong cuộc đời cô. Những người làm mướn cho gia đình là người họ hàng đáng yêu và cũng khá thân thiện. Cô chưa tưởng tượng nổi, nếu một mình trên Sài Gòn, cô sẽ phải xoay xở cuộc sống ra sao...
“Mẹ ơi... Con lấy chồng nhé?”, Kim Uyên dè dặt hỏi nhưng ẩn chứa trong câu nói là giọng điệu khẩn cầu và kèm theo lời khẳng định, cô đã nghĩ về chuyện này trong suốt nhiều đêm liên tiếp.
“Con có yêu anh ta không?”, bà Hoa hỏi lại. Bà biết, cô con gái ngang bướng của bà đang nghĩ gì và cũng chẳng hiểu gì về tình yêu ngoài những xao động qua cử chỉ, ánh mắt mà những đứa trẻ mới lớn thường dành cho nhau.
Anh ta mà bà Hoa đang nhắc đến ở đây thực ra chỉ là một cậu nhóc tên Thanh, hơn Kim Uyên một tuổi nhưng học cùng khóa ở trường huyện. Gia đình cậu ta giàu có nhất vùng nhờ những vụ làm ăn xuyên biên giới về buôn bán gỗ và đang dần dần mua gọn từng mảnh hecta cao su của bà.
Cậu ta yêu quý con gái bà và gia đình bên đó cũng đã nhiều lần đặt mối quan hệ thông gia từ khi Kim Uyên mới bước sang tuổi mười sáu. Gia đình họ có tiền, có quyền lực, và bà có những mối quan hệ làm ăn bền vững, uy tín suốt nhiều năm. Họ cần tạo ra nhiều khoản lợi nhuận dựa trên một mối thông gia bền chặt.
“Con sẽ nói với anh ta câu đó”, Kim Uyên trả lời quanh co.
“Ôi, Kim Uyên ngốc nghếch của mẹ”, bà Hoa cười gượng và đưa tay vòng ra sau ôm gọn lấy tấm lưng nhỏ nhắn của cô. “Con gái tôi. Thật ngu ngốc. Những gì mà mẹ muốn có trong cuộc đời này là con có được học thức, được yêu và biết yêu người khác như thế nào. Mẹ sẽ không bao giờ đánh đổi mối quan hệ của người thân yêu duy nhất trong cả cuộc đời mình chỉ để lấy những thứ đậm mùi vật chất khác. Con hiểu không?”
Kim Uyên lắc lắc đầu, “Con không muốn hiểu, mẹ ơi...”
“Nhưng mẹ muốn con là con gái ngoan và biết nghe lời”, bà Hoa mỉm cười. Ánh mắt bà âu yếm nhìn cô như một lời động viên, phải biết tiến lên phía trước.
“Vậy mẹ sẽ lên Sài Gòn và ở cùng con, được không ạ?”, cô bắt đầu khóc thút thít.
“Mẹ muốn con tự lập”, bà Hoa cương quyết. “Mẹ không muốn coi con là đứa trẻ mãi mà không chịu lớn khôn. Mẹ muốn con phải tự quyết định và chịu hậu quả nếu như con vấp phải sự lựa chọn sai lầm.”
Kim Uyên uể oải gật đầu. Nước mắt cô chảy ròng và thấm ướt lớp áo vải của bà Hoa.
Bà nghẹn lòng không để mình được khóc.
Cho dù những lời nói kia của cô có mạnh mẽ thế nào thì trong suy nghĩ của bà, Tô Kim Uyên vẫn chỉ là một đứa trẻ lớn lên từ tuổi thơ thiếu thốn tình cảm của người cha.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét